Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang được Đức bảo vệ, sẽ không bị dẫn độ về Việt Nam

Ngày 9/2, RFA Tiếng Việt có bài: “Vì sao Đức không trao trả bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về Việt Nam?”.

Theo đó, RFA cho hay, ngày 3/2 vừa qua, tờ báo Bild của Đức đã đăng tải một bài báo độc quyền, cho biết “Người buôn vũ khí Nguyen T. là người phụ nữ được bảo vệ tốt nhất ở Đức”. Người phụ nữ này đã đến Frankfurt vào mùa hè năm 2023, và tự nộp mình cho chính quyền Đức.

Nữ doanh nhân Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một tay buôn vũ khí nằm trong danh sách truy nã của Hà Nội vì tội tham nhũng là người mà tờ báo Đức này đề cập tới.

Tờ báo cho rằng, Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức đã chi “hàng triệu euro” cho nơi ẩn náu và bảo vệ bà. Họ chuyển bà đến một ngôi nhà an toàn từng là nhà thổ, nhưng được cơ quan an ninh cải tạo thành “pháo đài”, có camera và lính canh có vũ trang.

Đổi lại, bà Nhàn được cho là đã cung cấp cho chính quyền Đức thông tin về các thỏa thuận vũ khí giữa Nga, Trung Quốc và Việt Nam, bao gồm thông tin chi tiết về hệ thống vũ khí, chuỗi cung ứng, dòng tiền và các công ty tham gia: “Kiến thức của bà về các giao dịch vũ khí bí mật khiến bà trở thành mục tiêu của các cơ quan tình báo nước ngoài”.

Theo RFA, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nêu quyết tâm trong việc bắt bằng được bà Nhàn.

Mặc dù bị kết án vắng mặt tổng cộng 30 năm tù vì gian lận đấu thầu và hối lộ, bà Nhàn vẫn được chính phủ Đức bảo vệ và từ chối dẫn độ về Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi: Vì sao Đức không trả bà Nhàn về nước dù bà đã bị xác định là tội phạm tham nhũng?

RFA dẫn lời nhà báo Song Chi, từ nước Anh, cho rằng, trong trường hợp của bà Nhàn, vì Đức và Việt Nam không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc dẫn độ tội phạm. Vì vậy, về mặt pháp lý, Đức không có nghĩa vụ phải trao trả bà Nhàn.

Nguyên do thứ hai, theo nhà văn, nhà báo báo Võ Thị Hảo, người hiện đang ở Đức cho biết, theo quy định của luật pháp Đức, chính phủ nước này có trách nhiệm thực hiện Luật về tị nạn, cũng như một số điều trong Luật cư trú, đảm bảo rằng không chỉ riêng bà Nhàn, mà tất cả những người tị nạn đủ điều kiện đều được bảo vệ.

Đặc biệt, bà Nhàn lại là một người có liên quan đến các nhân vật quan trọng trong chính phủ Việt Nam, đồng thời dính líu đến lĩnh vực quốc phòng và buôn bán vũ khí, việc bảo vệ bà càng trở nên cần thiết hơn.

Bên cạnh đó, nhà báo Song Chi cho biết chính phủ Đức còn áp dụng lệnh cấm trục xuất, đối với các trường hợp mà việc hồi hương có thể vi phạm Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản, hoặc khi có nguy cơ đáng kể đe dọa đến tính mạng, và sự tự do của cá nhân tại quốc gia bị trục xuất về.

Theo nhà báo Song Chi, vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin đã làm bẽ mặt chính phủ Đức. Do đó, chính phủ Đức sẽ càng bảo vệ bà Nhàn chặt chẽ hơn.

Trong tương lai, khả năng cao là bà Nhàn sẽ được Đức cấp quy chế tị nạn. RFA dẫn lời ông Đài, từ Đức, nhận định như vậy và cho biết nguyên nhân là vì:

“Chính phủ Đức coi việc chống tham nhũng của Việt Nam là tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ cấp cao của Đảng. Khi các doanh nhân có liên quan đến các quan chức, thì họ sẽ là nạn nhân của các vụ xung đột quyền lực chính trị. Cho nên chắc chắn bà ấy sẽ được quy chế tị nạn chính trị.”

Và khi đã được tị nạn ở Đức, ông Đài cho rằng cũng tương tự như trường hợp của mình, bà Nhàn vẫn sẽ được bảo vệ nếu như cơ quan an ninh của Đức họ phát hiện ra bà ấy có nguy cơ bị đe dọa. Mức độ được bảo vệ sẽ tương xứng với nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của bà Nhàn.

Thu Phương – thoibao.de