Tổng Bí thư Tô Lâm vô hiệu hóa Quốc hội bằng cách nào và nhằm mục đích gì?

Theo giới thạo tin, việc 2 cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, và Lê Thanh Vân đã bị cáo buộc lợi dụng tư cách Đại biểu nhằm trục lợi các nhân, với các bản án 13 và 7 năm tù, có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên Quốc hội Việt Nam.

Đã từ lâu, Quốc hội là cơ quan lập pháp, nhưng lại không thực hiện vai trò chính là soạn thảo luật. Thay vào đó, các quyết sách quan trọng đều do Bộ Chính trị chỉ đạo, sau đó việc soạn thảo các luật, các nghị định…, đều do các bộ – ngành trực thuộc Chính phủ đảm nhiệm.

Việc cơ quan hành pháp – tức Chính phủ soạn thảo luật thay cho Quốc hội, điều đó có thể dẫn đến một số tác hại và nguy cơ tiềm ẩn, từ đó, sẽ xuất hiện những vấn đề rủi ro không thể lường trước, và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích lâu dài của xã hội. Nghị định 168 là một ví dụ điển hình.

Theo Hiến pháp Việt Nam, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Giới chuyên gia cho rằng, việc cơ quan hành pháp soạn thảo luật sẽ làm mờ ranh giới giữa các nhánh quyền lực. Từ đó, dẫn đến sự tập trung quyền lực quá mức vào hành pháp, làm suy yếu vai trò giám sát và cân bằng quyền lực của Quốc hội.

Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân. Trong khi đó, Chính phủ lấn sang việc soạn thảo luật, sẽ không phản ánh đầy đủ nguyện vọng và lợi ích của người dân.

Với lý do, đa số các Đại biểu Quốc hội thiếu chuyên môn về pháp lý trong việc soạn thảo và thẩm định luật, cơ quan thuộc Chính phủ có xu hướng tham gia sâu vào lĩnh vực làm luật vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Các cơ quan thuộc chính phủ có thể soạn thảo luật theo hướng có lợi cho mình, tạo ra các quy định phục vụ lợi ích nhóm, thay vì vì lợi ích chung của xã hội. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, tham nhũng, và tha hóa.

Kể từ Đại hội Đảng Khóa 12, vào năm 2016, khi ông Tô Lâm còn là Bộ trưởng Bộ Công an, trong vai trò người đứng đầu của một bộ được gọi là “siêu quyền lực”. Bộ trưởng Tô Lâm đã đạo diễn để các tướng công an tham gia lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội.

Cụ thể là, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được cho là một bước đi nhằm tạo bàn đạp, tiến tới việc Bộ Công an kiểm soát và thao túng cơ quan lập pháp. Song song với việc, bóp nghẹt các tiếng nói phản biện của các Đại biểu được đánh giá là đại biểu của dân.

Đây là lý do, kể từ sau Đại hội Đảng 13, các tiếng nói phản biện vắng bóng dần, rồi tắt hẳn tại nghị trường của Quốc hội Việt Nam. Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã trở thành các “nghị gật” đúng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Đây là nguy cơ tiềm ẩn chứa đựng các xung đột lợi ích, tập trung quyền lực, và làm suy yếu tính độc lập của Quốc hội.

Việc bố trí các tướng công an tham gia lãnh đạo Ủy ban Tư pháp có thể dẫn đến xung đột lợi ích. Vì họ vừa là người thực thi pháp luật, vừa là người giám sát và đề xuất chính sách pháp luật. Điều này có thể làm mất đi tính độc lập và khách quan của Ủy ban Tư pháp.

Sự tham gia quá sâu của lực lượng công an vào Ủy ban Tư pháp có thể làm mờ ranh giới giữa hành pháp và tư pháp. Việc này có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực quá mức vào một nhóm nhỏ, đặc biệt là lực lượng công an, làm suy yếu nguyên tắc phân quyền và kiểm soát quyền lực.

Sự khủng hoảng của Nghị định 168 là một minh chứng rõ ràng nhất về tác hại của việc Bộ Công an soạn thảo luật, và thao túng để thông qua. Khi Quốc hội đã trở thành cơ quan “đóng dấu” thay vì thực hiện chức năng lập pháp độc lập và hiệu quả.

 

Trà My – Thoibao.de