Ông Lưu Bình Nhưỡng không phạm tội như bị quy kết

Ngày 11/1, RFA Tiếng Việt đăng bài phân tích của Luật sư Đặng Đình Mạnh, với tựa đề “Luật sư: Không đủ căn cứ để kết tội ông Lưu Bình Nhưỡng”.

Luật sư Mạnh nhận định: Ông Nhưỡng có nhận tội, xin khoan hồng, là vì ông ấy quá hiểu nền tư pháp Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội vẫn thường “được” người dân gọi là nghị gật. Trong gần 500 đại biểu ấy, vẫn còn vài ba cái tên như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Ksor H’Bơ Khăp… là ngoại lệ, với những phát biểu thẳng thắn của họ tại nghị trường Quốc hội.

Tác giả nhắc lại, ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân bị bắt giữ, khởi tố hình sự, vào trung tuần tháng 11/2023. Ngày 7/1/2025, cả 2 ông bị đưa ra xét xử sơ thẩm.

Tác giả dẫn cáo trạng, theo đó, ông Nhưỡng bị xét xử về 2 tội danh: “cưỡng đoạt tài sản” “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Hành vi của ông Nhưỡng được mô tả như sau:

Phạm Minh Cường (tức Cường Quắt) yêu cầu bảo kê nhận tiền cho Công ty Sao Đỏ khai thác cát, tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bằng cách ký hợp đồng làm bảo vệ cho Công ty này.

Quá trình khai thác cát, nhóm của Cường Quắt thường xuyên đánh nhau với nhóm của Dũng “Chiến”, nên từ tháng 1/2021, Công ty Sao Đỏ dừng việc khai thác cát và không trả tiền cho Cường.

Tháng 5 và tháng 6/2021, Cường gặp ông Nhưỡng để nhờ tác động với lãnh đạo Công an Thái Bình.

Cường dụ dỗ vợ chồng ông Nhưỡng mua bãi triều do Cường tự chiếm, với giá 900 triệu, và giao lại cho Cường để kinh doanh.

Đến tháng 9/2021, ông Nhưỡng gọi điện cho Công an Thái Bình, nhờ xử lý nhóm Dũng “Chiến”.

Do vậy, Công ty Sao Đỏ đã quay lại khai thác cát từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022. Trong thời gian này, Cường đã cưỡng đoạt thêm của Công ty Sao Đỏ hơn 1,6 tỷ đồng (vẫn trong tư cách bảo vệ).

Cơ quan công tố xác định, số tiền 1,6 tỷ đồng này là khoản thu lợi bất chính, có được nhờ sự giúp sức của ông Nhưỡng, nên ông Nhưỡng phải chịu trách nhiệm như là đồng phạm của Cường.

Tác giả phân tích, do Cường nói bị nhóm Dũng “Chiến” phá rối, không thể kinh doanh, nên ông Nhưỡng mới tác động Công an Thái bình để xử lý nhóm Dũng. Việc này là hoàn toàn bình thường và chính đáng, vì Cường là nhân viên bảo vệ, có hợp đồng với Công ty Sao Đỏ, đồng thời lại dẹp được nhóm Dũng gây rối trật tự xã hội.

Cường có hành vi cưỡng đoạt tài sản của Công ty Sao Đỏ là chuyện riêng của Cường, ông Nhưỡng không biết việc này. Ông bị Cường lợi dụng để tác động với Công an Thái Bình. Bản thân ông mất 900 triệu đồng mua bãi triều và chưa thu lợi gì. Cho nên, việc cáo buộc ông Nhưỡng đồng phạm với Cường để cưỡng đoạt tài sản của Công ty Sao Đỏ là phi lý.

Hơn nữa, tác giả cho rằng, ông Nhưỡng chưa từng quen biết Công ty Sao Đỏ, cũng chưa từng có hành vi “đe dọa, uy hiếp… nhằm chiếm đoạt tài sản”, nên không có cơ sở để cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về tội danh này.

Về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, ông Nhưỡng bị cáo buộc với 4 hành vi nhận quà biếu.

Theo tác giả, diễn biến trong phiên tòa cho thấy, ông Nhưỡng đều tự nguyện thực hiện các công việc như một đại biểu Quốc hội bình thường, là nhận đơn từ, viết phiếu chuyển đơn, rồi chuyển hồ sơ sự việc đến các cơ quan chức năng, mà không hề đòi hỏi, hoặc thỏa thuận lợi ích gì trước cả.

Sau khi thực hiện đúng chức năng của mình, ông mới nhận các lợi ích vật chất. Như vậy, việc cáo buộc ông Nhưỡng là chưa chính xác.

Tại tòa, tác giả cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng nhận tội, bày tỏ sự hối hận và xin khoan hồng… Thế nhưng, sự nhận tội trong phiên một phiên tòa tại Việt Nam chưa hẳn là vì bị cáo có tội.

Tác giả đánh giá, chắc chắn, ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân không tránh được việc bị tuyên những hình phạt nặng nề. Qua đó, công an đạt được mục đích kép, một mặt trả đũa ông Nhưỡng vì các phát biểu công khai của ông tại nghị trường. Mặt khác, làm gương cho tất cả đại biểu Quốc hội còn lại, nếu có ý định phát biểu những điều làm ảnh hưởng đến ngành công an hoặc chế độ.

Tác giả kết luận, riêng đối với nhân dân, không chỉ bị mất đi những đại biểu dám nói về sự bức xúc của họ, mà kênh thu nhận sự phản ảnh mọi trường hợp oan khiên, góp ý, phê bình, phản biện, qua Vụ Dân nguyện của Quốc Hội, từ nay sẽ hoàn toàn tê liệt.

 

Ý Nhi – thoibao.de